

Ảnh: Weibo chính thức phim “Yêu Em”
Trong tình yêu, đôi khi chúng ta không dám buông tay một mối quan hệ không còn phù hợp, không phải vì còn yêu, mà vì đã đầu tư quá nhiều vào nó. Đây chính là hiệu ứng Sunk Cost Fallacy (Ngụy biện chi phí chìm), một trạng thái tâm lý khiến con người cảm thấy tiếc nuối những gì đã bỏ ra, dù biết rằng việc tiếp tục có thể không mang lại lợi ích gì.
Bộ phim Yêu Em đã kể câu chuyện Nguỵ biện chi phí chìm này qua câu chuyện tình giữa nữ chính Thẩm Tích Phàm và Nghiêm Hằng, từ đó chia sẻ thông điệp với khán giả rằng hãy dũng cảm buông bỏ những gì không còn phù hợp với bản thân.
Khi tình yêu bị ám ảnh bởi quá khứ
Nhân vật Thẩm Tích Phàm và bạn trai Nghiêm Hằng đã bên nhau suốt bảy năm, từ thời đại học cho đến khi bước vào cuộc sống trưởng thành. Đối với họ, việc tiếp tục ở bên nhau dường như là một điều hiển nhiên. Đoạn đầu phim, Thẩm Tích Phàm từng nói cô không thể tưởng tượng cuộc sống mà không có Nghiêm Hằng.
Tuy nhiên, thời gian không phải lúc nào cũng đảm bảo sự bền vững. Càng lớn, mỗi người có những mối bận tâm riêng. Khi hai người không còn phát triển cùng nhau và cùng hướng về chung một mục tiêu, không phải họ lúc nào cũng có thể đi cùng nhau mãi mãi.

Ảnh: Weibo chính thức phim “Yêu Em”
Nghiêm Hằng, một giám đốc trẻ đầy tham vọng với đam mê khởi nghiệp cùng công ty robot, lo ngại rằng việc kết hôn với một người làm công việc quản lý tiền sảnh khách sạn như Thẩm Tích Phàm có thể khiến anh bị xem thường, khi phải phục vụ những đối tác của anh. Trong khi đó, Thẩm Tích Phàm lại chỉ đơn giản muốn theo đuổi công việc mà cô yêu thích, không bị bó buộc bởi định kiến xã hội.
Cả hai đều có lý, nhưng sự khác biệt ngày càng lớn khiến họ dần trở nên xa cách.
Thực tế, điều này không chỉ xảy ra trong phim mà còn là tình huống phổ biến ngoài đời thực. Khi yêu, chúng ta thường nghĩ rằng những cảm xúc và sự đồng điệu của hôm nay sẽ kéo dài mãi mãi. Nhưng con người là những cá thể liên tục phát triển. Điều quan trọng không phải là bao lâu chúng ta đã ở bên nhau, mà là liệu chúng ta có còn muốn tiếp tục đồng hành cùng nhau trong hành trình phía trước hay không.
Sunk cost fallacy (Ngụy biện chi phí chìm): Gánh nặng của những người không còn hoà hợp

Ảnh: Weibo chính thức phim “Yêu Em”
Sunk Cost Fallacy được dùng để miêu tả trạng thái tâm lý khiến chúng ta cảm thấy tiếc nuối khi quyết định vứt bỏ một sự việc mà ta đã dành nhiều thời gian và công sức. Đó có thể là tình yêu, quan hệ bạn bè, một công việc hay niềm đam mê nào đó.
Cảm xúc này thôi thúc ta đi theo quyết định ban đầu cho tới cùng, mặc dù trong thân tâm bạn hiểu rõ mọi việc sẽ chẳng đi tới đâu. Cố đấm ăn xôi sẽ chỉ khiến mọi việc càng thêm tệ hại.
Cụm từ “sunk cost”, trong kinh tế học có tên là “chi phí chìm”, là phần chi phí có thể là tiền bạc, công sức hoặc thời gian, mà bạn đã dành cho một công việc, một dự án, một mối quan hệ,… Nhiều người cho rằng đã đầu tư quá nhiều vào điều gì thì khi buông bỏ chính là phí công sức.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng nếu chi phí bỏ ra không mang lại kỳ vọng như ý thì đó chính là gánh nặng, không phải là sự đầu tư. Chỉ khi nào bạn biết quay đầu, dừng lại không làm nữa, thì sunk cost mới không ngừng tăng thêm.
Trong tình yêu, điều này thể hiện qua việc níu kéo một mối quan hệ đã không còn hạnh phúc, chỉ vì tiếc quãng thời gian đã cùng nhau trải qua. Thẩm Tích Phàm không dám buông tay Nghiêm Hằng vì họ đã bên nhau quá lâu, cô sợ rằng nếu chia tay, tất cả những kỷ niệm, những nỗ lực duy trì mối quan hệ sẽ trở nên vô nghĩa. Nhưng thực tế, tiếp tục một mối quan hệ không còn tương thích chỉ vì quá khứ sẽ chỉ khiến cả hai thêm đau khổ.

Ảnh: Weibo chính thức phim “Yêu Em”
Điều này cũng tương tự như việc đầu tư vào một dự án kinh doanh. Nếu một công ty đã đầu tư rất nhiều tiền vào một chiến lược nhưng thấy rõ rằng nó không mang lại lợi nhuận, tiếp tục đổ tiền vào chỉ vì tiếc công sức ban đầu sẽ chỉ khiến tổn thất lớn hơn. Trong tình yêu, cảm giác tiếc nuối quá khứ có thể khiến con người mắc kẹt trong một mối quan hệ không còn đem lại hạnh phúc. Một số người ở trong một mối quan hệ không hạnh phúc chỉ vì sợ bắt đầu lại từ đầu.
Thông điệp phim Yêu Em: Dũng cảm buông bỏ, làm lại từ đầu
Hạnh phúc không nằm ở việc gắn bó với một điều không còn phù hợp, mà là có đủ can đảm để tìm kiếm điều tốt đẹp hơn hay không.
Khi bác sĩ Hà Tô Diệp tỏ tình, Thẩm Tích Phàm đã do dự, lo lắng, sợ tiếp tục thất bại nên đã từ chối sự chân thành của anh. Cái bóng tâm lý của mối tình 7 năm quá sâu đậm, tuổi thanh xuân của mỗi cô gái có hạn, còn bao nhiêu cái 7 năm nữa? Vì thế, ở mối quan hệ sau, Thẩm Tích Phàm cần sự chữa lành bản thân nhiều hơn, nghiêm túc, và vững vàng về mặt tâm lý để không biến nó trở thành “lốp dự phòng” cho mối quan hệ trước, cô không muốn có người yêu chỉ là vì thiếu thốn tình cảm, đang tan vỡ mà lợi dụng người khác.

Ảnh: Weibo chính thức phim “Yêu Em”
Bộ phim không cố gắng phân định ai đúng ai sai, mà chỉ đơn giản chỉ ra rằng không phải mối tình nào cũng có thể kéo dài mãi mãi. Đôi khi, việc buông tay không phải là thất bại, mà là cơ hội để mỗi người tìm thấy hạnh phúc thật sự. Tình yêu không phải là một khoản đầu tư bắt buộc phải có lợi nhuận, mà là một hành trình mà mỗi chúng ta đều có quyền lựa chọn dừng lại khi cảm thấy không còn phù hợp.
Buông bỏ một mối quan hệ không có nghĩa là chối bỏ quá khứ, mà là tôn trọng chính mình và người kia. Không có gì sai khi yêu ai đó trong một khoảng thời gian dài, và cũng không có gì sai khi nhận ra rằng cả hai không còn chung một con đường. Điều quan trọng khi đối diện với trạng thái tâm lý sunk cost fallacy là chúng ta nên nhớ rõ rằng, càng nuối tiếc quá khứ, thì tương lai sẽ càng lại càng nuối tiếc hơn.
Yêu Em gửi gắm thông điệp rằng đôi khi, từ bỏ không phải là mất mát, mà là cách để cả hai có thể tiến về phía trước một cách trọn vẹn hơn. Bộ phim nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu không chỉ là câu chuyện của những tháng năm đã qua, mà còn là sự lựa chọn có tiếp tục cùng nhau hay không. Và nếu một ngày nào đó câu trả lời là không, thì cũng đừng sợ hãi, vì đó có thể chính là bước đi cần thiết để tìm lại chính mình và hạnh phúc đích thực.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Harper’s Bazaar Vietnam