Giới thiệu về bộ phim, nền tảng Netflix nói đây là “câu chuyện về một cô nàng nhiệt huyết và chàng trai kiên cường trên đảo Jeju, nảy nở thành câu chuyện trọn đời đầy thăng trầm, minh chứng tình yêu vẫn trường tồn theo thời gian”. Bất kỳ ai khi bắt đầu xem phim Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt (When Life Gives You Tangerines) cũng sẽ nghĩ bộ phim sẽ mang đến những cung bậc tình cảm ngọt đắng đan xen giữa Ae Sun (IU) và Gwan Sik (Park Bo Gum).

Vậy mà phải qua 50 phút của tập 01 vẫn không hề thấy bóng dáng của IU và Park Bo Gum, thay vào đó là một câu chuyện vô cùng ý nghĩa dành cho một bộ phim khởi chiếu ngay trước ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Câu chuyện về mẹ của Ae Sun, bà Jeon Gwang Rye, một “hải nữ” – Những “nữ cường” lặn biển nuôi sống cả gia đình.

Hàng nghìn năm nghề hải nữ: Từ việc của đàn ông đến gánh nặng trên vai phụ nữ và Di sản phi vật thể được UNESCO công nhận

bzvn-hai-nu-truyen-thong-han-quoc

Những hải nữ thời hiện đại. Ảnh: Center for Jeju studies

Hải nữ (Haenyeo, trong đó, Hae là Hải (biển) và Nyeo là nữ) là thuật ngữ dùng để chỉ những người phụ nữ lặn biển để thu hoạch rong biển, bào ngư và các loại hải sản.

Tại Hàn Quốc, họ hoạt động chủ yếu ở đảo Jeju, cũng như tại Busan, Namhae và dọc theo bờ biển phía Đông. Đây là một nghề nghiệp độc lập được công nhận bởi Hàn Quốc. Một hải nữ thường bắt đầu với nghề vào năm 10 tuổi, và có thể bền bỉ gắn bó đến tuổi 60, hay thậm chí là 80.

Tuy vậy, nghề này không hề đẹp đẽ như cái tên mà báo chí phương Tây thường gọi – “nàng tiên cá của Hàn Quốc.” Những hải nữ không có đôi mắt trong veo hay mái tóc bồng bềnh của những mỹ nhân ngư trong cổ tích. Họ có làn da rám nắng vì hàng chục năm dầm mình dưới nước biển, mái tóc khô xơ vì gió muối, đôi bàn tay chai sạn vì lặn biển quanh năm suốt tháng.

Vì là nghề nghiệp bắt đầu từ thời Joseon xa xưa nên những thế hệ hải nữ đầu tiên lặn với các thiết bị thủ công thô sơ. Tuy nhiên, sau này, dù đã có nhiều thiết bị cơ khí hiện đại, những trang thiết bị của hải nữ vẫn không mấy đổi khác, chỉ cần một bộ đồ lặn cao su, hỏng thì vá, lưới bắt hải sản, phao và cuốc đào. Họ thậm chí không cần đến bình dưỡng khí dù lặn suốt 2 phút hơn, biến hải nữ thành những người hơi thở và sức chịu đựng bền bỉ đến phi thường.

bzvn-hai-nu-truyen-thong-han-quoc-when-life-gives-you-tangerines

Một hải nữ bắt bạch tuộc. Ngoài bạch tuộc, họ chủ yếu khai thác rong biển, bào như, ốc xà cừ… Ảnh: Jejuinnews

Việc phụ nữ đảm nhận nghề nghiệp gian khó này là kết quả của một lịch sử đầy đau thương.

Khoảng thế kỷ 5 sau công nguyên, tức thời Joseon, đã tồn tại nghề thợ lặn biển thu hoạch hải sản quanh năm bất chấp mùa đông lạnh giá. Có những thợ lặn nam chuyên khai thác những đặc sản hoàng gia như bào ngư, ốc xà cừ ở vùng nước sâu để nộp cống phẩm cho triều đình, còn thợ lặn nữ chủ yếu thu hoạch tảo biển ở vùng nước nông. Tuy nhiên, việc khai thác bào ngư để nộp cống ngày càng trở nên khắc nghiệt vì triều đình đòi hỏi ngày một nhiều. Nhiều thợ lặn nam không chịu nổi đã bỏ trốn hoặc chết vì kiệt sức.

Khi số lượng thợ lặn nam suy giảm nghiêm trọng, chính quyền đã tìm cách đẩy toàn bộ công việc khai thác hải sản sang cho phụ nữ. Họ tận dụng lợi thế cơ thể dẻo dai, giữ nhiệt độ tốt. Và thế là, nghề thợ lặn nam gần như biến mất, chỉ còn lại những hải nữ bám biển.

bzvn-hai-nu-truyen-thong-han-quoc-2

Ảnh: Shutterstock

Cuối thế kỷ 18, trong triều đại của vua Chính Tổ (Jeongjo), vị vua thứ 22 của Hàn Quốc, chính ông và các quan trấn thủ khi thấy những hải nữ lao xuống biển giữa mùa đông giá rét để nộp cống phẩm đã quyết định không bao giờ ăn bào ngư nữa. Tuy vậy, những đời vua sau, các hải nữ tiếp tục bị bóc lột. Dưới thời Nhật Bản đô hộ (1910–1945), nghề nghiệp này trong triều đình được bãi bỏ, cho phép các hải nữ tự bán sản phẩm kiếm tiền. Tuy nhiên, có không ít các công ty đánh cá Nhật Bản sử dụng thiết bị lặn hiện đại để khai thác ồ ạt nguồn tài nguyên biển, khiến một bộ phận hải nữ bị đẩy vào cảnh đói nghèo và mất kế sinh nhai.

bzvn-hai-nu-truyen-thong-han-quoc-when-life-gives-you-tangerines-3

Các hải nữ. Ảnh chụp năm 1971. Ảnh: GongU Madang

Bất chấp thăng trầm, nghề nghiệp vẫn tồn tại. Họ không chỉ tiếp tục công việc mưu sinh mà còn đóng vai trò trong các hoạt động quốc phòng của Hàn. Vào những năm 1950, 18 hải nữ được Hải quân Hàn Quốc tuyển dụng đến đảo Dokdo, sống tạm bợ trong những túp lều dựng trên nhưng khai thác rong biển đủ để nuôi sống nhuệ khí của cả một đoàn quân. Họ còn góp phần vận chuyển nhu yếu phẩm, cung cấp nước ngọt, lương thực, và tham gia xây dựng cơ sở vật chất trên đảo Dokdo.

bzvn-hai-nu-truyen-thong-han-quoc-when-life-gives-you-tangerines-2

Những trang bị thô sơ của hải nữ. Ảnh: Jeonji Ilbo

bzvn-hai-nu-truyen-thong-han-quoc-when-life-gives-you-tangerines-4

Họ lặn từ 2-3 phút mới lấy hơi một lần. Ảnh: Y.Zin Photography

Năm 2016, UNESCO công nhận văn hóa hải nữ Jeju là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là di sản văn hoá thứ 19 của Hàn Quốc. Từ những người phụ nữ bị ép buộc gánh vác trọng trách sinh tồn, hải nữ trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất của một nghề nghiệp khắc sâu thăng trầm của lịch sử Hàn.

Ngày nay, đa phần các hải nữ đã ở độ tuổi ngũ tuần trở lên. Sự khắc nghiệt của nghề và đô thị hoá khiến nhiều người trẻ không cần phải lựa chọn con đường này, trừ khi muốn gìn giữ nghề truyền thống sao cho không bị mai một. Kể cả khi có thiện chí đó, công việc cũng ngày càng khắc nghiệt hơn khi có biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên.

Những khó khăn của nghề hải nữ được khắc hoạ tinh tế trong tập 1 của When Life Gives You Tangerines

“Thà sinh ra là bò còn hơn làm hải nữ”

bzvn-when-life-gives-you-tangerines-tap-1-7

Những hải nữ trong tập 1 của phim. Người phụ nữ là Jeon Kwang Rye, mẹ của Ae Sun. Ảnh: Netflix

Lấy bối cảnh đảo Jeju trong thập niên 1960, When Life Gives You Tangerines khắc họa cuộc sống của hải nữ một cách trọn vẹn và đa chiều, gắn liền với bối cảnh nghề nghiệp ở thời điểm đó. Chỉ trong hơn 40 phút của tập đầu tiên, bộ phim đã tái hiện chân thực những gian truân, khắc nghiệt của nghề mà người ngoài khó có thể hình dung hết được.

Mẹ của Ae Sun (nhân vật của IU), bà Jeon Kwang Rye là một hải nữ làm việc rất chăm chỉ, lặn biển đến tận chiều tà trong tiếng nói của đồng nghiệp: “Mùa xuân, rong biển khắp nơi, đời nào bà cứng đầu đó chịu lên”, để kiếm tiền gồng gánh cả gia đình vì chồng bà là một người biếng nhác.

bzvn-when-life-gives-you-tangerines-tap-1

Bộ phim có lượng nhân vật nữ lấn át nhân vật nam. Đa phần nhân vật nam được khắc hoạ là những người ở nhà và không có nghề nghiệp cụ thể. Ảnh: Netflix

Thế nhưng, dù cả đời gắn bó với nghề, bà Kwang Rye lại nhất quyết không muốn con gái nối nghiệp. Bà cay đắng nói: “Thà sinh ra là bò còn hơn làm hải nữ.”

Câu nói này không chỉ là lời oán than cá nhân mà còn phản ánh một thực tế tàn khốc. Dân gian Hàn Quốc cũng có một câu hát than: “Nếu sinh con gái, thà úp mặt nó xuống cho chết đi còn hơn để nó phải làm hải nữ.”

Hải nữ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, không phải vì đây là một nghề lãng mạn, mà bởi nó là biểu tượng cho sự quật cường của phụ nữ – những con người chấp nhận đánh đổi sức khỏe, thậm chí cả tính mạng, để mưu sinh.

bzvn-when-life-gives-you-tangerines-tap-1-5

Mẹ của Ae Sun rất thương con. Bà sẵn sàng làm thêm công việc thời vụ là cày ruộng để mượn được chiếc vòng cổ ngọc trai, chỉn chu đi gặp thầy giáo, thuyết phục thầy công nhận năng lực của con. Ảnh: Netflix

Hải nữ phải lặn liên tục, có khi lên đến bảy tiếng mỗi ngày nếu muốn có thu nhập ổn định. Nhưng ở dưới nước lâu đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với những rủi ro thường trực: giảm áp, ù tai, hạ thân nhiệt. Khi ngoi lên, họ có thể bị choáng váng, mất phương hướng, thậm chí ngất xỉu – một điều vô cùng nguy hiểm nếu rơi vào dòng nước siết.

Có một cụm từ là sumbisori, chỉ tiếng huýt sáo đặc trưng của các hải nữ khi trồi lên khỏi mặt nước giúp họ giải phóng lồng ngực căng cứng và điều hòa oxy. Nó được ví như ranh giới giữa sự sống và cái chết trong các bài dân ca về hải nữ. Cất lên tiếng sáo này, đó có thể là dấu hiệu rằng họ đã an toàn, hoặc đó cũng có thể là hơi thở cuối cùng của hải nữ trước khi đột ngột mất ý thức.

Dù công việc khắc nghiệt là vậy, thu nhập của hải nữ vẫn phụ thuộc vào số hải sản mà họ bắt được. Để kiếm thêm, họ buộc phải mạo hiểm lặn sâu hơn, lâu hơn, bất chấp nguy hiểm. “Lòng tham sẽ dìm chết hải nữ,” đó là lời cảnh báo của những người từng trải. Nhưng đôi khi, đó không phải là lòng tham đơn thuần – mà là nỗi lo cơm áo, là ước mong để lại chút vốn liếng cho con cái.

Mẹ của Ae Sun cũng vậy. Vì muốn dành dụm cho con, bà lao lực ngày đêm, bất chấp những cơn đau lưng triền miên, những cơn ho kéo dài. Và rồi, như một định mệnh nghiệt ngã, bà “sinh nghề tử nghiệp” khi mới 29 tuổi, chỉ một năm sau ngày Ae Sun về sống chung với mình.

“Tuyệt vọng chờ mẹ, bào ngư đáng ghét”

bzvn-when-life-gives-you-tangerines-tap-1-3

Ae Sun, đứng phía xa, chờ mẹ và những hải nữ khác. Ảnh: Netflix

When Life Gives You Tangerines không chỉ khắc họa những thử thách của nghề hải nữ qua góc nhìn của chính họ mà còn cho thấy công việc này khắc nghiệt, nguy hiểm đến nhường nào bằng góc nhìn của những người con cần mẹ.

Những đứa trẻ của hải nữ không chỉ thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ, chúng còn luôn phập phồng lo sợ mỗi khi mẹ lặn xuống biển. Cô bé Ae Sun thậm chí “ghen tị” với những con bào ngư vì chúng được ở bên mẹ nhiều hơn mình. Từ cảm xúc hồn nhiên nhưng chan chứa nỗi niềm ấy, Ae Sun viết nên một bài thơ, lời lẽ ngây ngô nhưng chất chứa biết bao lo lắng của một đứa trẻ dõi theo bóng mẹ giữa dòng nước siết:

“Vẫn tìm bào ngư, nên mẹ không lên được? Hay ngộp quá, hơi cạn nơi dòng nước?
Trái tim nhỏ này như sắp vỡ vì lo
Tuyệt vọng chờ mẹ, bào ngư đáng ghét”

When Life Gives You Tangerines cho thấy chế độ mẫu hệ ở đảo Jeju, xây dựng bởi những hải nữ

bzvn-when-life-gives-you-tangerines-tap-1-4

Những hải nữ bán hải sản mà mình bắt được ở chợ. Bộ phim ngoài chuyện tình của cặp đôi Ae Sun – Gwan Sik sẽ khai thác xã hội mẫu hệ ở đảo Jeju. Ảnh: Netflix

Trong các gia đình có phụ nữ theo nghề hải nữ, họ là lao động chính, gánh vác kinh tế gia đình. Điều này cũng đúng với gia đình của Ae Sun, nơi người mẹ miệt mài làm việc từ sáng sớm đến chiều tà, trong khi người cha ở nhà cả ngày. Bởi Jeju là hòn đảo núi lửa nên đất đai không quá lý tưởng cho các hoạt động canh tác, đổi lại có đường bờ biển rộng với lượng hải sản dồi dào, giúp phổ biến hoá nghề hải nữ. Chính sự phổ biến này đã biến xã hội của hòn đảo trở thành xã hội mẫu hệ.

Xã hội mẫu hệ ở Jeju không chỉ thể hiện qua vai trò trụ cột kinh tế của phụ nữ mà còn qua văn hóa gia đình gắn kết và tinh thần tương trợ cộng đồng. Tập 1 của phim khắc họa rõ nét vẻ đẹp ấy: các hải nữ không chỉ truyền nghề cho nhau mà còn cùng san sẻ khó khăn. Khi một người đổ bệnh, họ chung tay đóng góp một phần sản lượng đánh bắt, bán đi để lấy tiền giúp đỡ người gặp nạn.

Thế nhưng, dù nắm vai trò kinh tế quan trọng và duy trì những giá trị văn hóa tốt đẹp, phụ nữ trên đảo Jeju vẫn không thể tránh khỏi ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam khinh nữ. Mẹ của Ae Sun dù làm việc quần quật để nuôi người chồng trước qua cơn bạo bệnh, sau đó mới đi bước nữa, nhưng vẫn bị gia đình chồng dè bỉu, gán cho cái danh “sát chồng”. Bản thân Ae Sun, khi sống cùng gia đình bên nội sau khi cha mất, cũng thường xuyên bị phân biệt đối xử: cô bé phải làm việc nhà nhưng không được thưởng thức thịt cá, dù đạt thành tích học tập xuất sắc, trong khi cậu em họ – con trai trong gia đình – lại được cưng chiều hết mực bất chấp kết quả học tập ra sao.

"When life gives you tangerines" của IU và Park Bo Gum lên sóng 7/3/2025

Ảnh: Netflix

Vào năm 2024, bộ phim tài liệu Những hải nữ cuối cùng (The Last Of The Sea Women) trên Apple TV+ đã góp phần lan tỏa nhận thức về một nghề truyền thống đang dần mai một. Chưa đầy một năm sau, When Life Gives You Tangerines tiếp tục khắc họa nét văn hóa đặc trưng của Hàn Quốc, không phải ở thời hiện đại mà trong bối cảnh thập niên 60-70. Dù từ tập 2 trở đi, bộ phim tập trung nhiều hơn vào chuyện tình thanh mai trúc mã của Ae Sun và Gwan Sik, nhưng tác phẩm đã có màn tri ân sâu sắc và trọn vẹn cho hải nữ – những người phụ nữ kiên cường của xứ sở kim chi – đồng thời mang đến một khởi đầu ấn tượng, giàu giá trị cho tác phẩm mới nhất của Netflix.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Việt Nam